Sự quan tâm của báo chí và xã hội Nghi án 47.800 đồng

Sự việc Trâm sợ đến điên dại vì bị nhà trường và công an hỏi cung đã lan nhanh thúc đẩy giới truyền thông và báo chí vào cuộc. Báo chí cho rằng nhà trường và công an đã vi phạm luật pháp trong việc cách li để hỏi cung một em bé 10 tuổi mà không có người giám hộ, xâm phạm quyền trẻ em một cách ngiêm trọng. Báo Tiền Phong viết bài đầu tiên vào ngày 4 tháng 4 năm 2007 như sau: "Một học sinh 10 tuổi hoảng loạn vì bị hiệu trưởng nghi lấy 47.800 đồng." Sau đó, hàng loạt các báo và đài đã đưa tin và gọi sự việc này là "Nghi án 47.800 đồng". Dư luận xã hội phản ứng mạnh mẽ, nhiều người viết ý kiến lên báo đòi truy cứu trách nhiệm hình sự những người đã trực tiếp làm cho Trâm trở thành điên dại, tàn phế.

  • Bà Đặng Huỳnh Mai, thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam nói: "Việc hỏi cung các bé gái dưới mười tuổi không người giám hộ là sai lầm, phản giáo dục". Bà cho rằng nguyên nhân là do các cán bộ đã ứng xử kém và bà cũng nói thêm: "Giáo dục là biến cái xấu thành cái tốt chứ không phải biến một học sinh giỏi thành người tật nguyền, khủng hoảng". Thay mặt Bộ Giáo dục và Đào tạo, bà đã xin lỗi gia đình Trâm.
  • Theo báo Lao động Cuối tuần, việc vi phạm luật giáo dục, luật bảo vệ bà mẹ và trẻ em, công ước quốc tế về nhân quyền và việc bảo vệ các quyền của trẻ em mà Việt Nam có tham gia và được quốc hội phê chuẩn là do nhiều nguyên nhân, trong đó có thể do ứng xử kém như bà Đặng Huỳnh Mai đã nhận xét. Nhưng xét trên hai khía cạnh nhận thức xã hội theo lề thói cũ, gia trưởng, kẻ cả và khía cạnh vi phạm pháp luật qua việc đánh, nhục mạ, trừng phạt học sinh là phạm pháp, các thầy cô đó đã vi phạm pháp luật. Trường hợp "hỏi cung" bé Trâm là do bệnh thành tích gây ra trong khi những kẻ phạm pháp rành rành như vậy phải bị truy tố trước pháp luật và phải được xử một cách rất nghiêm minh[7].